I. ĐIỀU KIỆN DỰ THI
1. Về văn bằng
Người dự thi cần thoả mãn một trong các điều kiện sau đây:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học đúng ngành hoặc phù hợp với ngành đăng kí dự thi.
b) Có bằng tốt nghiệp đại học ngành gần với ngành đăng ký dự thi, đã hoàn thành chương trình học bổ sung kiến thức do Trường ĐHSP Hà Nội quy định (Xem tại: Khung chương trình bổ sung kiến thức).
2. Về thâm niên công tác và đối tượng dự thi chuyên ngành Quản lí giáo dục
a) Người dự thi có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản lý giáo dục, Tâm lí học, Tâm lí học giáo dục, Giáo dục học được thi ngay.
b) Người dự thi có bằng tốt nghiệp đại học không thuộc mục 2.a phải có ít nhất hai năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực này, tại một trong các vị trí công tác sau: Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng các trường từ mầm non trở lên; Trưởng khoa, phó Trưởng khoa, tổ trưởng, tổ phó các tổ chuyên môn trong các cơ sở giáo dục và đào tạo (trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường phổ thông, tiểu học, trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên…); lãnh đạo và chuyên viên làm công tác quản lý giáo dục của tổ chức chính trị, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Sở GD và ĐT, Phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng/ ban đào tạo, giáo vụ của các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp hoặc cán bộ nguồn được quy hoạch ở các vị trí nói trên.
3. Chính sách ưu tiên
3.1. Đối tượng ưu tiên: (Tải mẫu: Giấy xác nhận ưu tiên.doc)
a) Người có thời gian công tác liên tục từ 2 năm trở lên (tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi) tại các địa phương được quy định là Khu vực 1 trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành. Trong trường hợp này, thí sinh phải có quyết định tiếp nhận công tác hoặc điều động, biệt phái công tác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
b) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;
c) Con liệt sĩ;
d) Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động;
e) Người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú từ 2 năm trở lên ở địa phương được quy định là Khu vực 1 trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành.
f) Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hoá học.
3.2. Mức ưu tiên:
Người dự thi thuộc đối tượng ưu tiên được cộng vào kết quả thi mười điểm cho môn ngoại ngữ (thang điểm 100) và cộng một điểm (thang điểm 10) cho môn cơ bản.
II. THỜI GIAN, HÌNH THỨC ĐÀO TẠO
1.Thời gian: 02 năm (24 tháng).
2. Hình thức đào tạo: Chính quy tập trung.
III. CHỈ TIÊU ĐÀO TẠO
Chỉ tiêu đào tạo từng chuyên ngành (Xem phụ lục 1).
IV. MÔN THI TUYỂN
1. Người dự tuyển, thi 3 môn (thi viết):
- Môn ngoại ngữ (theo dạng thức trắc nghiệm): thời gian thi 120 phút.
- Môn cơ bản: thời gian thi 180 phút.
- Môn cơ sở: thời gian thi 180 phút.
Danh mục các môn thi tuyển cho từng chuyên ngành (Xem phụ lục 2).
2. Các trường hợp được miễn thi môn ngoại ngữ: Thực hiện theo Quyết định số 9081/QĐ-ĐHSPHN, ngày 26/8/2019 của Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội (Xem Văn bản quy định về miễn thi môn ngoại ngữ).
V. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DỰ THI GỒM:
(Thí sinh tải mẫu và điền theo hướng dẫn tại đây)
1. Phiếu đăng ký dự thi (theo mẫu)
2. Đơn xin dự thi (theo mẫu).
3. Bản sao có công chứng: bằng tốt nghiệp đại học, bảng điểm đại học.
4. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của thủ trưởng cơ quan hoặc chính quyền địa phương nơi thí sinh cư trú (theo mẫu).
5. Giấy chứng nhận đủ sức khoẻ để học tập của một bệnh viện đa khoa.
6. 4 ảnh 4x6, mặt sau ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, chuyên ngành đăng ký dự thi.
7. 02 phong bì có dán tem (định mức tem từ 4.000 đồng trở lên/phong bì) và ghi rõ địa chỉ cần gửi đến cho thí sinh.
8. Bản sao có công chứng giấy tờ hợp pháp về đối tượng ưu tiên (nếu có)
Các thí sinh được ưu tiên theo khu vực (đang công tác 2 năm liên tục) phải có quyết định tiếp nhận công tác của cấp có thẩm quyền (bản sao); Thí sinh là người dân tộc thiểu số: nộp giấy khai sinh (bản sao)
9. Bản sao có công chứng văn bằng, chứng chỉ để miễn ngoại ngữ (nếu có).
Ghi chú: Các thí sinh dự thi chuyên ngành QLGD hoặc thí sinh được cơ quan cử đi học cần chuẩn bị thêm các giấy tờ sau:
10. Bản sao có công chứng các quyết định tuyển dụng, hợp đồng lao động, quyết định bổ nhiệm cán bộ quản lý để chứng nhận thời gian thâm niên công tác.
11. Công văn cử đi dự thi của thủ trưởng cơ quan (nếu có).
VI. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN
1. Hồ sơ dự thi:
Thí sinh tải hướng dẫn và chuẩn bị Hồ sơ dự thi tại “MỤC V”, tự hoàn thiện hồ sơ theo mẫu, cùng với bản photo hóa đơn giao dịch nộp kinh phí (theo hướng dẫn ở mục 3) gửi qua đường bưu điện.
2. Thời gian và địa chỉ nhận hồ sơ
- Từ ngày 10/8/2020 đến 31/8/2020 thí sinh gửi chuyển phát nhanh hồ sơ qua đường bưu điện. Thời gian được tính theo dấu bưu điện.
- Địa chỉ: Phòng Sau đại học - Phòng 403, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.(Ngoài phong bì ghi rõ: Hồ sơ dự thi trình độ thạc sĩ K30).
- Phòng Sau đại học sẽ liên hệ với thí sinh thuộc diện phải học bổ sung kiến thức sau khi xử lý hồ sơ. (Xem tại Khung chương trình bổ sung kiến thức).
3. Kinh phí và phương thức thu
a) Kinh phí
- Xử lí hồ sơ, lệ phí thi: 460.000đ/thí sinh.
- Ôn tập: 1.000.000đ/môn x 3 môn (thí sinh có nhu cầu ôn tập có thể đăng kí học 01 môn Ngoại ngữ hoặc 02 môn cơ bản + cơ sở).
- Học bổ sung kiến thức: 300.000 đ/tín chỉ
b) Hình thức nộp: Thí sinh nộp tiền qua tài khoản ngân hàng
Tên tài khoản: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Số tài khoản: 1507311001008
Tại Ngân hàng: Agribank Chi nhánh Cầu Giấy, Hà Nội
Nội dung: Họ và tên – chuyên ngành dự thi- K30 - số điện thoại
c) Thời hạn nộp: Hồ sơ hợp lệ khi thí sinh nộp lệ phí trước 17 giờ, ngày 31/8/2020.
Lưu ý:
- Thí sinh bắt buộc phải ghi đầy đủ họ và tên, ngày tháng năm sinh, chuyên ngành dự thi, số điện thoại để phục vụ công tác quản lí hệ thống. Nếu không, hồ sơ sẽ không hợp lệ.
- Thẻ ôn tập và biên lai thu kinh phí sẽ phát cho thí sinh trong buổi học đầu tiên.
- Lịch học, danh sách người học, địa điểm ôn tập thông báo trên website: http://sdh.hnue.edu.vn/
Mọi thắc mắc thí sinh liên hệ: Phòng Sau đại học, điện thoại: 024.6296.2496 (Gọi trong giờ hành chính).